Ổ sinh thái được định nghĩa là một "không gian sinh thái" mà ở đó những điều kiện môi trường quy định sự tồn tại và phát triển không hạn định của cá thể, của loài. Có ổ sinh thái riêng và ổ sinh thái chung:
Ổ sinh thái riêng (ổ sinh thái thành phần) là ổ sinh thái của một nhân tố sinh thái, tập hợp tất cả các ổ sinh thái riêng lại hình thành nên ổ sinh thái chung. Ổ sinh thái chung là một không gian sinh thái, trong đó mỗi nhân tố sinh thái đảm bảo cho hoạt động của một chức năng nào đó của cơ thể sinh vật, ví dụ ổ sinh thái dinh dưỡng, ổ sinh thái sinh sản ...
Sinh vật sống trong một ổ sinh thái nào đó thì thường phản ánh đặc tính của sinh thái đó thông qua những dấu hiệu về hình thái của chúng. Ví dụ như chiều dài và chiều rộng của mỏ chim: chim ăn hạt có mỏ ngắn và rộng; chim hút mật có mỏ dài, mảnh; chim ăn thịt có mỏ quắp, khỏe.
Để mô tả khái niệm ổ sinh thái, người ta dựng các đồ thị về giới hạn sinh thái của các nhân tố sinh thái. Đồ thị 1 chiều trên mặt phẳng thể hiện ổ sinh thái riêng của một nhân tố sinh thái, đồ thị 2 chiều thể hiện 2 nhân tố sinh thái,... đến đồ thị n chiều (một hình không gian) thể hiện ổ sinh thái chung của n (hay tất cả) các nhân tố sinh thái.
Ta có thể phân biệt ổ sinh thái và nơi ở của sinh vật: Nơi ở là nơi cư trú của một loài, còn ổ sinh thái không chỉ là nơi ở mà còn là cách sinh sống của loài đó. Ví dụ về cách sống: Loài đó kiếm ăn bằng cách nào? Ăn những loại mồi nào? Kiếm ăn ở đâu? Sinh sản như thế nào và sinh sản ở đâu? Sự phong phú và đa dạng của các loại thức ăn, nơi ở, ... và các điều kiện sinh thái khác là những nhân tố cơ bản trong sự phân hóa ổ sinh thái.
Do ổ sinh thái tạo ra sự cách li về mặt sinh thái giữa các loài nên nhiều loài có thể sống chung được với nhau trong một khu vực mà không dẫn đến cạnh tranh quá gay gắt. Trong một ao, người ta có thể nuôi kết hợp nhiều loài cá: cá mè trắng, mè hoa, trắm cỏ, cá chép,... Vì mỗi loài có một ổ sinh thái riêng nên khi nuôi kết hợp chung một ao sẽ giảm mức độ cạnh tranh gay gắt với nhau: Cá trắm cỏ ăn thực vật và phân bố chủ yếu ở tầng nước mặt, cá mè trắng chủ yếu ăn thực vật nổi, cá mè hoa ăn động vật nổi là chính, cá trắm đen ăn thân mềm và phân bố chủ yếu ở đáy ao, cá trôi ăn chất hữu cơ vụn nát ở đáy ao, cá chép ăn tạp, ... Nuôi chung nhiều loài cá khác nhau như trên sẽ tận dụng được nguồn thức ăn trong thiên nhiên và không gian vùng nước, do đó đạt được năng suất cao.