Note: Chào mừng bạn đến với Thư Viện Mở. Hãy Đăng ký thành viên hoặc Đăng nhập để có thể tham gia cùng Thư Viện Mở nhé !

You are not connected. Please login or register

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Go down  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

1TẢN MẠN VỚI NGHỀ DAY HỌC Empty TẢN MẠN VỚI NGHỀ DAY HỌC Mon Nov 12, 2012 12:27 am

Admin
Admin
  • Admin

TẢN MẠN VỚI NGHỀ DAY HỌC

ĐÂY LÀ MỘT BÀI DO MỘT CÔ Ở HÀ NỘI VIẾT, MONG MỌI NGƯỜI ĐỌC VÀ CẢM NHẬN VỀ NGHỀ DẠY HỌC MÀ CHÚNG TA ĐANG HƯỚNG TỚI
TẢN MẠN VỚI NGHỀ DẠY HỌC

Hồi đi học, tôi may mắn được làm học trò của thầy Nguyễn Đăng Mạnh, người thầy mà tôi ngưỡng mộ cả về tài năng lẫn nhân cách. Có lần tôi đã hỏi thầy: điều tâm đắc nhất của thầy về nghề dạy học là gì? Thầy tủm tỉm cười: Cái thú nhất là khi mình cứ có một ý tưởng mới thì đã có ngay người để giãi bày, để chia sẻ, đó là các học trò của mình. Theo thầy thì đó là một đặc ân mà không phải nghề nào cũng có.
Cô giáo dạy văn của tôi ở cấp 3 thì lại luôn cho rằng, những người làm nghề dạy học có tâm hồn trẻ trung vì họ có ưu thế hơn các nghề khác là luôn được tiếp xúc với các thế hệ trẻ. Mỗi ngày 20/11 đến, nhà cô ngập tràn hoa, của học trò cô đang dạy, nhưng nhiều hơn vẫn là của các thế hệ học trò cũ của cô. Những lúc ấy, nhìn cô thật trẻ trung và hạnh phúc.
Cô bạn thân của tôi thời phổ thông (và cũng từng là giáo viên) lại luôn mơ ước có một bộ đồng phục riêng cho nghề dạy học, như một nước nào đó ở phương Tây, để ai nhìn vào cũng biết đó là thầy giáo, cô giáo. Bạn tôi chuyển sang làm nghề khác từ đã lâu rồi, nhưng mỗi năm đến ngày khai giảng, ngày 20/11 bạn tôi đều kiếm cớ để đi qua một trường nào đấy, để đắm mình trong không khí náo nhiệt, để hoài niệm, để tiếc nuối…
Tôi luôn nói với các sinh viên năm thứ nhất rằng: nghề dạy học không chấp nhận sự trung bình chủ nghĩa. Nếu bạn làm một bác sĩ trung bình, bạn chỉ khám chữa những bệnh thông thường thôi, đồng nghĩa với thù lao sẽ ít; nếu bạn là một doanh nhân trung bình, thì doanh thu của bạn sẽ ít; nếu bạn là một nhà báo trung bình, tên tuổi của bạn sẽ không ai biết đến…tất cả chỉ có thế thôi. Sẽ không ai bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng, nếu bạn làm một giáo viên trung bình, hàng năm sẽ có ít nhất vài chục (hoặc vài trăm) học sinh bị thiệt thòi, bởi, cũng thời gian đó, cũng bài học đó, nếu được học với giáo viên giỏi các em sẽ khác nhiều. Vì thế, trung bình trong nghề dạy học là không thể chấp nhận. Trung bình trong nghề dạy học là có tội với học trò.
Có lần sinh viên hỏi tôi, điều gì ở bản thân làm cô thấy hài lòng nhất? Tôi trả lời: Những người tôi mới gặp lần đầu, 70% trong đó đoán tôi làm nghề dạy học, còn khi đã biết tôi làm nghề dạy học rồi thì 100% nói rằng tôi dạy môn văn. Và tôi luôn thấy vui vì điều đó, tôi luôn thấy mình thật hạnh phúc và thật may mắn khi được làm cô giáo dạy văn. Nghề nghiệp đã cho tôi rất nhiều: tôi có công việc để làm, tôi được biết đến những vẻ đẹp khác nhau của cuộc sống, tôi chiêm nghiệm được rất nhiều từ các tác phẩm của những nhà văn nổi tiếng, bên trang sách, tôi được đồng cảm, được sẻ chia…
Tôi vẫn nhớ như in cảm xúc của mình trong dịp 20 tháng 11 năm 1975, khi ấy, tôi vừa có trong tay giấy gọi nhập học của trường đại học sư phạm, và cũng khi ấy, trên sóng phát thanh, bài Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu được phát đi liên tục “Nào cùng đi… khi chúng ta là người giáo viên nhân dân, khuya sớm chuyên cần dìu dắt tuổi xuân…” tôi thấy lòng mình náo nức, tự hào và hãnh diện biết bao. Năm ấy, các bạn nữ học cùng khóa với tôi hầu hết vào các trường sư phạm, đó là lúc nghề dạy học đang thịnh.
Rồi đến những năm đầu của thập kỉ 90, lương của công chức, viên chức không đủ để sống, dù chỉ ăn rau và gạo, cuộc sống của giáo viên lại càng khốn khó hơn, rất nhiều giáo viên không thể sống được bằng nghề nên đã phải bỏ dạy để đi buôn bán hoặc làm nghề khác. Cạnh nhà tôi khi ấy có một cô giáo tiểu học, vì hoàn cảnh khó khăn nên đã phải bỏ dạy để đi buôn gà và làm pháo, bị pháo nổ. Thật đau xót, cô ấy đã mất vào đúng ngày 20/11. Trước đó một tuần cô ấy còn nói với tôi: Sắp đến 20/11 rồi, đi làm ngoài tuy nhiều tiền hơn nhưng em vẫn thấy tiếc vì không được dạy học nữa chị ạ. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ đến cô ấy tôi không khỏi xót xa, giá như lương giáo viên đủ sống thì chắc cô ấy đã không phải bỏ nghề và đã không phải chết đau đớn như thế.
Cũng may là thời kì đó qua đi rất nhanh, những năm ngay sau đó lại là thời kì hưng thịnh nhất của nghề dạy học. Ngày mới tách tỉnh, tỉ lệ “chọi” của các trường sư phạm nói chung và cao đẳng sư phạm Bắc Ninh nói riêng luôn cao ngất ngưởng, đặc biệt là khối C. Có năm (hình như khóa18 hay 19 gì đó, khối C chỉ tuyển 1 lớp Địa Sử, chỉ tiêu lớp Địa Sử là 45 nhưng có tới 42 phòng thi thuộc khối C. Những năm đó, điểm chuẩn của trường luôn ở mức trên, dưới 20 điểm khối C và trên, dưới 25 điểm khối A.. Lứa sinh viên của những năm đó rất chững chạc khi ra trường. Rất nhiều hiệu trưởng của các trường THCS, rất nhiều các trưởng, phó phòng giáo dục công nhận điều đó.
Thế nhưng, vài năm gần đây, điểm chuẩn của các trường sư phạm nói chung luôn phải hạ, cứ năm sau lại thấp hơn năm trước, thấp đến đau lòng. Đến mùa tuyển sinh, ở thành phố, những trường phổ thông thuộc top trên hầu như không có em nào nộp hồ sơ thi vào ngành sư phạm. Lí giải điều này, nhiều người cho rằng vì lương, lương nhà giáo thấp quá. Những năm qua, nhà nước đã ưu đãi cho giáo viên phụ cấp đứng lớp, rồi lại phụ cấp thâm niên, nhưng… Một tờ báo đưa tin: “Trong hội nghị tổng kết năm học tại một tỉnh thành nọ, một phó hiệu trưởng xung phong hỏi lãnh đạo cao nhất trong Sở GD-ĐT: “Theo giám đốc, giáo viên đã sống được bằng nghề của mình chưa?”. Vị giám đốc trả lời câu hỏi một cách đầy hài hước nhưng cũng không kém phần chua xót: “Nếu sống một mình thì sống được”. Có vẻ đúng nhưng hình như vẫn chưa đủ. Một sinh viên Văn Sử k28 nói với tôi: “Mẹ em đã hỏi mấy chỗ rồi nhưng người ta đều đòi trên 100 triệu cơ, nhà em lại không có tiền nên em vẫn chưa được đi làm, buồn lắm cô ạ”. Còn em Lan Hương, cô sinh viên xinh xắn của lớp Văn Sử k24, trong thời gian học tại trường đã từng giành huy chương vàng toàn quốc về hùng biện, giải nhất nữ sinh thanh lịch của trường, say mê học tập và rất sôi nổi trong các hoạt động… bây giờ làm chủ một shop thời trang. “Em đi xin việc mãi không được, mở hàng làm tạm nhưng bây giờ thấy cũng được nên chắc em sẽ không đi dạy nữa cô ạ”. Nghe em nói tôi vừa vui lại vừa buồn, vui vì em sẽ không phải khó khăn, eo hẹp trong cuộc sống như các bạn cùng lớp nữa, nhưng tôi cũng thấy hơi buồn khi nghĩ: giá đi dạy, chắc em sẽ là giáo viên dạy giỏi, được học sinh yêu mến, vì em là người có kiến thức lại năng động, sáng tạo và có năng lực sư phạm tốt. Tôi biết một em, tốt nghiệp loại giỏi khoa Toán Đại học sư phạm 1 Hà Nội (điểm thi đầu vào của em là 29), là con thương binh, chỉ mong được là một giáo viên chính thức với thu nhập ổn định thôi, ước mong giản dị vậy thôi nhưng sao vẫn mù mịt, xa vời.
Có người đã nghĩ đến nỗi lo tương lai rồi không có giáo viên đi dạy chứ chưa bàn đến việc giáo viên giỏi. Và điều lo lắng ấy không phải là không có cơ sở. Chia sẻ trên báo chí, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Việc chất lượng đầu vào giảm là điều đáng báo động bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống giáo dục và sự phát triển bền vững của xã hội. Giáo dục là nền tảng của các ngành khoa học, xã hội, nếu chỉ tuyển được những giáo viên có chất lượng không thật sự tốt, rõ ràng sẽ không có nền tảng tốt”. Nếu giáo viên không có tư duy tốt thì chỉ giống như "thợ dạy" chứ không thể có sự chủ động và sáng tạo. Mỗi bài học trong sách giáo khoa, nhìn qua rất đơn giản, nếu giáo viên có kiến thức sâu rộng gấp nhiều lần nội dung trong sách, hiểu được nguồn gốc vấn đề thì chắc chắn giảng bài sẽ khác.
Tuần trước tôi vừa nhận được mail của một cô giáo: “Em dạy cùng trường với em M và em T, trước đã học cô, em đã được nghe các em nói về cô nhiều. Em muốn nhờ cô giúp em một việc: em sắp phải dạy bài từ đồng nghĩa…”. Mỗi một mùa thao giảng, tôi hay nhận được điện thoại hay mail của sinh viên cũ với nội dung tương tự như thế, các em hỏi tôi, từ tài liệu về Nguyễn Minh Châu, thiết kế trò chơi trong giờ học vần cho tới: “Cô ơi, con gái em đã hơn 3 tuổi rồi mà vẫn không nói được thanh hỏi và thanh ngã, em không biết phải làm thế nào, cô giúp em với!” mặc dù bận rộn nhiều nhưng tôi luôn cảm thấy vui với những nhờ vả như vậy. Cảm giác các em vẫn luôn ở bên tôi, tin tưởng tôi. Cảm giác ấy làm tôi thấy hạnh phúc, một niềm hạnh phúc giản dị nhưng không dễ có mà nghề nghiệp đã đem lại.
Lại sắp đến một 20/11 nữa, như mọi năm, tôi vẫn sẽ chuẩn bị một ít bánh kẹo và đồ ăn trong tủ để đón khách. Đó là những sinh viên cũ của tôi đang làm việc tại Hà Nội, đó còn là những sinh viên tôi chưa dạy họ bao giờ, họ học ở các trường kinh tế, kĩ thuật…họ gọi tôi bằng cô và xưng con nghe thật gần gũi và thân thương. Một bữa ăn giản dị, sau đó bên ấm trà là những câu chuyện không đầu không cuối nhưng vui vẻ và đầm ấm. Tôi chợt nhớ đến một câu thơ mà anh bạn cùng lớp hồi đại học chép vào sổ tay của tôi trong ngày lễ ra trường:
Hành trang đời ta: Tình yêu lớp trẻ
Kỉ niệm đời ta: Lớp học, mái trường
Cuộc sống người thầy: Triệu phú yêu thương.
Có phải vậy không, trong nhiều cung bậc buồn vui với nghề, trong bao nhọc nhằn và cả những lúc thăng hoa cùng nghề, hẳn mỗi người thầy chúng ta đều có chung một niềm tự hào sâu kín, riêng tư và vững chắc: về vật chất, có thể chúng ta còn chưa giàu, nhưng về yêu thương, chúng ta là triệu phú!


Nguồn gốc bài viết : [You must be registered and logged in to see this link.]

Xem chủ đề cũ hơn Xem chủ đề mới hơn Về Đầu Trang  Thông điệp [Trang 1 trong tổng số 1 trang]

Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết

 
  • Free forum | ©phpBB | Free forum support | Báo cáo lạm dụng | Thảo luận mới nhất