TT - Ngày 8-11, đất nước Hàn Quốc hạn chế tối đa mọi tiếng ồn. Cả xã hội cũng điều chỉnh hoạt động để tạo điều kiện tối đa cho các thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi, một khoảnh khắc quan trọng liên quan tới cả sự nghiệp tương lai và hôn nhân sau này.
>> Nước Mỹ tiếp tục khốn đốn vì bão
>> Susan Rice - ứng viên sáng giá cho ghế ngoại trưởng Mỹ
Một thí sinh được cảnh sát dùng xe tuần tra đưa đến điểm thi - Ảnh: Yonhap
Hằng năm cứ vào đầu tháng 11, cùng những cơn gió lạnh cuối mùa thu, xứ sở kim chi trở nên thơ mộng hơn với những con đường rợp lá đủ màu đỏ vàng rực rỡ. Mùa thu được xem là mùa đẹp nhất trong năm ở Hàn Quốc. Nếu với du khách tháng 11 là lúc vội vàng để đi ngắm cảnh mùa thu và những khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất trời, thì với người dân bản xứ Hàn đây là lúc ai cũng căng mình cùng những lo âu của các thí sinh cho một mùa thi đang chờ đón: mùa thi Suneung mà trong tiếng Hàn có nghĩa là kỳ thi đánh giá năng lực vào học đại học.
Ngày thi Suneung năm nay rơi vào ngày 8-11, và sẽ có hơn 668.000 thí sinh hồi hộp và căng thẳng chờ đợi những giây phút quyết định cho con đường tiến thân của chính mình.
Tất cả vì thí sinh
Để con em mình được vào các trường đai học danh tiếng, các bậc phụ huynh không quản ngại bất kỳ khó khăn nào để hỗ trợ việc học của con. Hàn Quốc là một trong những nước có tỉ lệ tham gia học thêm vào mức cao (theo thống kê năm 2011 có 71,1% học sinh tham gia học ngoại khóa) với mức chi phí trung bình mỗi học sinh là 240.000 won/tháng (tương đương 4,5 triệu đồng). Hàn Quốc hiện đứng hàng đầu trong các nước thuộc Tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tỉ lệ đầu tư cho giáo dục so với GDP (8%, trong đó có 4,9% từ chính phủ và 3,1% từ người dân).
Ngay từ những ngày đầu tiểu học, trẻ em đã bị “nhồi sọ” là phải học làm sao để trở thành một người thắng cuộc trong cuộc thi piano, một nhà vô địch taekwondo hay vô địch tại các cuộc thi tiếng Anh, Olympic toán. “Câu chuyện ăn thua dường như không có hồi kết này sẽ còn kéo dài mãi” - như nhà báo Oh Jung Hun bình luận trên báo Korea Times.
Báo chí Hàn Quốc mô tả cả nước tập trung đảm bảo tối đa mọi điều kiện thuận lợi cho kỳ thi. Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tiếng ồn và ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Các cuộc diễn tập bắn đạn thật của quân đội cũng bị hoãn lại để giữ yên lặng. Khoảng 83 chuyến bay đã được điều chỉnh giờ bay để hạn chế tiếng ồn khi cất cánh và hạ cánh trong thời gian diễn ra các môn thi kỹ năng nghe hiểu ngôn ngữ. Cụ thể, các chuyến bay phải tạm ngừng hoạt động trong vòng 13 phút vào buổi sáng khi các em thi môn nghe tiếng Hàn, 20 phút vào buổi chiều khi các em thi môn nghe hiểu tiếng Anh.
Khoảng 3.000 xe cảnh sát ở các thành phố trên khắp Hàn Quốc được đặt trong tình trạng ứng chiến để hỗ trợ thí sinh đi thi trễ. Những thí sinh này có thể gọi điện đến một tổng đài khẩn cấp để yêu cầu trợ giúp. Cảnh sát sẽ dùng chính xe hơi, xe máy tuần tra của mình để đưa thí sinh tới điểm thi kịp giờ. Theo Yonhap, khoảng 13.000 cảnh sát trên toàn quốc được triển khai để đảm bảo thuận tiện, an toàn cho các thí sinh trong ngày thi. Tàu điện, xe buýt hoạt động với tần suất cao hơn vào giờ cao điểm buổi sáng. Xe cộ cũng bị cấm hoạt động trong bán kính 200m từ điểm thi.
Thị trường chứng khoán mở cửa và đóng cửa trễ một giờ trong khi nhiều cơ quan chính phủ và công ty tư nhân mở cửa trễ lúc 10g sáng để giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm.
Không khí mùa thi đã bắt đầu từ sớm trước ngày 8-11. Giống như mọi năm, càng đến gần những ngày thi, ở các ngôi chùa, nhà thờ đều có một không khí vừa uy nghiêm vừa rộn ràng đến lạ. Các bậc phụ huynh có con em sắp thi đến xếp hàng nối đuôi nhau, mang theo một quyển sổ nhỏ có dán ảnh và những thông tin của con em mình để cầu nguyện, khấn vái cho một mùa thi may mắn, đỗ đạt. Các bà mẹ thường không quản ngại trời lạnh hay quãng đường xa để đến những ngôi chùa được xem là linh thiêng hay những nhà thờ nổi tiếng để thành tâm cầu nguyện.
Các kênh truyền hình đưa tin thường xuyên những chuyên đề về sức khỏe mùa thi, những nội dung động viên tinh thần cho các sĩ tử sắp vào cổng trường thi.
Thị trường quà tặng, ẩm thực cũng rộn ràng. Các món ăn được xem là hỗ trợ tốt cho trí nhớ, các loại ngũ cốc được bày bán riêng biệt với những hình thức quà tặng bắt mắt trong khắp các siêu thị, cửa hiệu quanh trường học hay trung tâm luyện thi. Một số món ăn có ý nghĩa như món bánh gạo nếp, món kẹo mạch nha (dính, dẻo = thi đâu dính đó), hay thậm chí những thứ tưởng chừng không liên quan đến thi cử như cái nĩa (ghim vào là được = chọn đúng câu trắc nghiệm) hay cuộn giấy (dễ dàng bung ra khi nắm kéo một đầu = ý tưởng tuôn ra mau chóng, trả lời câu hỏi mau lẹ) cũng được chọn làm những món quà độc đáo trong mùa thi.
Phụ huynh cầu nguyện trong mùa thi - Ảnh: T.Sử - N.Lan
Từ áp lực đến tự tử
Kỳ thi đại học căng thẳng chẳng khác gì đi đánh trận. Báo Dong-A Ilbo dẫn lời một bà mẹ nói: “Cha mẹ còn căng thẳng gấp mấy lần con. Con cái lo một, cha mẹ lo mười”. Nhiều học sinh mất ngủ hằng đêm vì lo lắng cho kỳ thi, dẫn đến những kết cục thảm họa!
Mới hôm 7-11, một thí sinh 21 tuổi ở thành phố đông nam Daegu đã nhảy lầu tự tử. Theo AFP, sức ép từ việc phải có một kết quả tốt trong kỳ thi được cho là nguyên nhân dẫn đến hàng chục vụ tự tử của thanh thiếu niên hằng năm. Số vụ tự tử thường tăng cao trong thời gian thi cử.
Theo tờ Hankyoreh, trong 10 tháng qua đã có 11 học sinh tự tử ở thành phố Daegu. Thủ đô Seoul cũng không khá hơn với 110 em tự tử trong năm năm qua. Nhiều trường phải che chắn cửa sổ, khóa các lối lên mái hoặc sân thượng để đề phòng học sinh nhảy lầu.
Nhiều nhà hoạt động giáo dục đang yêu cầu cải tổ hệ thống giáo dục và thi cử để giảm áp lực cho học sinh.
VIỆT PHƯƠNG - THANH SỬ - NGỌC LAN (từ Seoul)
>> Nước Mỹ tiếp tục khốn đốn vì bão
>> Susan Rice - ứng viên sáng giá cho ghế ngoại trưởng Mỹ
Một thí sinh được cảnh sát dùng xe tuần tra đưa đến điểm thi - Ảnh: Yonhap
Hằng năm cứ vào đầu tháng 11, cùng những cơn gió lạnh cuối mùa thu, xứ sở kim chi trở nên thơ mộng hơn với những con đường rợp lá đủ màu đỏ vàng rực rỡ. Mùa thu được xem là mùa đẹp nhất trong năm ở Hàn Quốc. Nếu với du khách tháng 11 là lúc vội vàng để đi ngắm cảnh mùa thu và những khoảnh khắc tuyệt đẹp của đất trời, thì với người dân bản xứ Hàn đây là lúc ai cũng căng mình cùng những lo âu của các thí sinh cho một mùa thi đang chờ đón: mùa thi Suneung mà trong tiếng Hàn có nghĩa là kỳ thi đánh giá năng lực vào học đại học.
Ngày thi Suneung năm nay rơi vào ngày 8-11, và sẽ có hơn 668.000 thí sinh hồi hộp và căng thẳng chờ đợi những giây phút quyết định cho con đường tiến thân của chính mình.
Tất cả vì thí sinh
Để con em mình được vào các trường đai học danh tiếng, các bậc phụ huynh không quản ngại bất kỳ khó khăn nào để hỗ trợ việc học của con. Hàn Quốc là một trong những nước có tỉ lệ tham gia học thêm vào mức cao (theo thống kê năm 2011 có 71,1% học sinh tham gia học ngoại khóa) với mức chi phí trung bình mỗi học sinh là 240.000 won/tháng (tương đương 4,5 triệu đồng). Hàn Quốc hiện đứng hàng đầu trong các nước thuộc Tổ chức các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) về tỉ lệ đầu tư cho giáo dục so với GDP (8%, trong đó có 4,9% từ chính phủ và 3,1% từ người dân).
Ngay từ những ngày đầu tiểu học, trẻ em đã bị “nhồi sọ” là phải học làm sao để trở thành một người thắng cuộc trong cuộc thi piano, một nhà vô địch taekwondo hay vô địch tại các cuộc thi tiếng Anh, Olympic toán. “Câu chuyện ăn thua dường như không có hồi kết này sẽ còn kéo dài mãi” - như nhà báo Oh Jung Hun bình luận trên báo Korea Times.
Báo chí Hàn Quốc mô tả cả nước tập trung đảm bảo tối đa mọi điều kiện thuận lợi cho kỳ thi. Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp để giảm thiểu tiếng ồn và ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Các cuộc diễn tập bắn đạn thật của quân đội cũng bị hoãn lại để giữ yên lặng. Khoảng 83 chuyến bay đã được điều chỉnh giờ bay để hạn chế tiếng ồn khi cất cánh và hạ cánh trong thời gian diễn ra các môn thi kỹ năng nghe hiểu ngôn ngữ. Cụ thể, các chuyến bay phải tạm ngừng hoạt động trong vòng 13 phút vào buổi sáng khi các em thi môn nghe tiếng Hàn, 20 phút vào buổi chiều khi các em thi môn nghe hiểu tiếng Anh.
Khoảng 3.000 xe cảnh sát ở các thành phố trên khắp Hàn Quốc được đặt trong tình trạng ứng chiến để hỗ trợ thí sinh đi thi trễ. Những thí sinh này có thể gọi điện đến một tổng đài khẩn cấp để yêu cầu trợ giúp. Cảnh sát sẽ dùng chính xe hơi, xe máy tuần tra của mình để đưa thí sinh tới điểm thi kịp giờ. Theo Yonhap, khoảng 13.000 cảnh sát trên toàn quốc được triển khai để đảm bảo thuận tiện, an toàn cho các thí sinh trong ngày thi. Tàu điện, xe buýt hoạt động với tần suất cao hơn vào giờ cao điểm buổi sáng. Xe cộ cũng bị cấm hoạt động trong bán kính 200m từ điểm thi.
Thị trường chứng khoán mở cửa và đóng cửa trễ một giờ trong khi nhiều cơ quan chính phủ và công ty tư nhân mở cửa trễ lúc 10g sáng để giảm ùn tắc giao thông giờ cao điểm.
Không khí mùa thi đã bắt đầu từ sớm trước ngày 8-11. Giống như mọi năm, càng đến gần những ngày thi, ở các ngôi chùa, nhà thờ đều có một không khí vừa uy nghiêm vừa rộn ràng đến lạ. Các bậc phụ huynh có con em sắp thi đến xếp hàng nối đuôi nhau, mang theo một quyển sổ nhỏ có dán ảnh và những thông tin của con em mình để cầu nguyện, khấn vái cho một mùa thi may mắn, đỗ đạt. Các bà mẹ thường không quản ngại trời lạnh hay quãng đường xa để đến những ngôi chùa được xem là linh thiêng hay những nhà thờ nổi tiếng để thành tâm cầu nguyện.
Các kênh truyền hình đưa tin thường xuyên những chuyên đề về sức khỏe mùa thi, những nội dung động viên tinh thần cho các sĩ tử sắp vào cổng trường thi.
Thị trường quà tặng, ẩm thực cũng rộn ràng. Các món ăn được xem là hỗ trợ tốt cho trí nhớ, các loại ngũ cốc được bày bán riêng biệt với những hình thức quà tặng bắt mắt trong khắp các siêu thị, cửa hiệu quanh trường học hay trung tâm luyện thi. Một số món ăn có ý nghĩa như món bánh gạo nếp, món kẹo mạch nha (dính, dẻo = thi đâu dính đó), hay thậm chí những thứ tưởng chừng không liên quan đến thi cử như cái nĩa (ghim vào là được = chọn đúng câu trắc nghiệm) hay cuộn giấy (dễ dàng bung ra khi nắm kéo một đầu = ý tưởng tuôn ra mau chóng, trả lời câu hỏi mau lẹ) cũng được chọn làm những món quà độc đáo trong mùa thi.
Phụ huynh cầu nguyện trong mùa thi - Ảnh: T.Sử - N.Lan
Từ áp lực đến tự tử
Kỳ thi đại học căng thẳng chẳng khác gì đi đánh trận. Báo Dong-A Ilbo dẫn lời một bà mẹ nói: “Cha mẹ còn căng thẳng gấp mấy lần con. Con cái lo một, cha mẹ lo mười”. Nhiều học sinh mất ngủ hằng đêm vì lo lắng cho kỳ thi, dẫn đến những kết cục thảm họa!
Mới hôm 7-11, một thí sinh 21 tuổi ở thành phố đông nam Daegu đã nhảy lầu tự tử. Theo AFP, sức ép từ việc phải có một kết quả tốt trong kỳ thi được cho là nguyên nhân dẫn đến hàng chục vụ tự tử của thanh thiếu niên hằng năm. Số vụ tự tử thường tăng cao trong thời gian thi cử.
Theo tờ Hankyoreh, trong 10 tháng qua đã có 11 học sinh tự tử ở thành phố Daegu. Thủ đô Seoul cũng không khá hơn với 110 em tự tử trong năm năm qua. Nhiều trường phải che chắn cửa sổ, khóa các lối lên mái hoặc sân thượng để đề phòng học sinh nhảy lầu.
Nhiều nhà hoạt động giáo dục đang yêu cầu cải tổ hệ thống giáo dục và thi cử để giảm áp lực cho học sinh.
VIỆT PHƯƠNG - THANH SỬ - NGỌC LAN (từ Seoul)